Thời kỳ đầu Bắc_Ngụy_Hiếu_Văn_Đế

Thác Bạt Hoành sinh năm 467, khi đó phụ thân ông là Hiến Văn Đế Thác Bạt Hoằng chỉ mới 13 tuổi, và còn chưa tự mình cai trị, việc triều chính khi đó nằm dưới quyền nhiếp chính của Phùng thái hậu. Thác Bạt Hoành là con trai cả của Hiến Văn Đế. Mẹ ông là Lý phu nhân, bà là con gái của Lý Huệ, một viên quan bậc trung lúc bấy giờ, và Lý Huệ là một huynh đệ của mẹ đẻ Hiến Văn Đế. Phùng thái hậu chấm dứt việc nhiếp chính và trả lại quyền lực cho Hiến Văn Đế sau khi Thác Bạt Hoành chào đời, bà dành thời gian của mình để nuôi dưỡng Thác Bạt Hoành. Năm 469, khi mới hai tuổi, Thác Bạt Hoành được lập làm thái tử. Cùng năm đó, Lý phu nhân qua đời, mặc dù sử sách không mô tả vì sao song có vẻ như bà đã bị buộc phải tự sát theo đúng truyền thống hoàng gia Bắc Ngụy (nhằm hạn chế sự can dự của ngoại thích), cả hoàng cung than khóc cho cái chết của bà.

Năm 471, Hiến Văn Đế, người ủng hộ các triết lý Đạo giáoPhật giáo, đã chán ngán với ngôi vị và tính đến việc nhường ngôi cho thúc phụ Thác Bạt Tử Thôi (拓拔子推). Tuy nhiên, sau khi hầu hết các đại thần phản đối, Hiến Văn Đế vẫn quyết định nhường ngôi, song là cho Thái tử Hoành. Thái tử Hoành lên ngôi, trở thành Hiếu Văn Đế, còn Hiến Văn Đế lấy tước hiệu là Thái thượng hoàng. Tuy nhiên, do Hiếu Văn Đế vẫn còn nhỏ tuổi, Hiến Văn Đế vẫn tiếp tục giữ quyền kiểm soát trên thực tế đối với các vấn đề quan trọng. Khi cần một tiền tuyến chống lại Nhu Nhiên, đích thân Thái thượng hoàng đã tiến hành chiến dịch quân sự, trong khi để các trọng thần ở lại kinh đô Bình Thành với Hiếu Văn Đế.

Năm 476, Phùng thái hậu ám sát Hiếu Vũ Đế do bực bội trước việc Hiếu Văn Đế ban tội chết cho người tình Lý Dịch (李奕) của bà vào năm 470. (Hầu hết các sử gia, bao gồm Tư Mã Quang, tin rằng bà đã hạ độc ông, song một phiên bản khác lại chỉ ra rằng Phùng thái hậu là sát thủ, khi Hiến Văn Đế đến cung của bà để thỉnh an, bà đã bắt và làm ông ngạt thở.) Phùng thái hậu trở thành người nhiếp chính của Hiếu Văn Đế và mang tước hiệu Thái hoàng thái hậu.